Cuốn sách được Steve Job đọc lần đầu tiên ở tuổi thiếu niên, đọc lại một lần nữa khi ông ở Ấn Độ, và sau đó mỗi năm đọc lại hai lần. Đây cũng là cuốn sách duy nhất ông tải về trên chiếc iPad 2 của mình – “An Autobiography of a Yogi”.
“Tự truyện của một Yogi” được xem như tác phẩm tâm linh quan trọng bậc nhất của thế kỉ 20, trong đó hé lộ những bí mật lần đầu tiên được tiết lộ về các bậc thầy tu luyện Yoga huyền bí.
Nó được dán nhãn như là tác phẩm tâm linh quan trọng bậc nhất của thế kỉ 20, sau này càng trở nên nổi tiếng hơn khi được biết như cuốn sách gối đầu giường của nhà sáng lập Apple nổi tiếng – Steve Jobs.Walter Isaacson, người viết tiểu sử của Steve Job thuật lại, cuốn sách được Steve Job đọc lần đầu tiên ở tuổi thiếu niên, đọc lại một lần nữa khi ông ở Ấn Độ, và sau đó mỗi năm đọc lại hai lần. Đây cũng là cuốn sách duy nhất ông tải về trên chiếc iPad 2 của mình – “An Autobiography of a Yogi”.
Bản tiếng Việt của tác phẩm dày gần 600 trang khổ lớn, chứa nhiều chi tiết được mô tả kĩ lưỡng từ khi Yoganada còn là một đứa trẻ với tên khai sinh là Mukunda, sinh ra tại bang Uttar Pradesh, phía Bắc Ấn Độ. Từ nhỏ, cậu bé đã nhận ra trong kí ức của mình có những nét xa xưa của tiền kiếp khi còn mà một yogi (*) trên rặng Himalaya tuyết phủ. Chỉ vài năm sau, Mukunda được chữa khỏi bệnh nhờ uy lực từ bức ảnh của Lahiri Mahasaya – học trò của Babaji (Yogi Chúa của Ấn Độ), cậu bắt đầu nhận được các linh ảnh và thông điệp từ các yogi khác trong khi ngồi thiền định.

“Tự truyện của một Yogi” được biết như cuốn sách đọc suốt đời của Steve Jobs, kể từ khi ông tiếp xúc với tác phẩm này hồi trẻ.
Con đường tu tập của Mukunda cũng không bằng phẳng. Mặc dù tràn ngập sự sùng đạo trong mình nhưng chàng trai trẻ tuổi cũng không ít lần bỏ ngoài tai những lời tiên tri của sư phụ mình, cho đến khi chúng dần được chứng nghiệm trong thực tế. Sau khi tốt nghiệp đại học theo nguyện vọng của cha, Mukunda mới chính thức bước vào con đường tu hành.
Vâng lời người thầy đi trước, Yogananda lập ra một trường học kết hợp việc giảng dạy kiến thức lẫn rèn luyện thể chất, các tư tưởng tâm linh với thực hành Yoga. Các giờ học chủ yếu diễn ra ở ngoài trời. Trường học của Yogananda ngày càng thu hút đông môn sinh, đồng thời trên con đường tu tập, bậc đại sư cũng được chứng nghiệm ngày càng dày thêm những điều thần bí. Ông đã diện kiến từ những yogi nổi tiếng trong thời đại của ông cho đến những yogi huyền thoại trong quá khứ, và cả những người con kiệt xuất của Ấn Độ mà sử sách còn ghi – như Tagore – nhà thơ đoạt giải Nobel năm 1913, Mahatma Gandhi – anh hùng dân tộc Ấn, người đã quyết tâm theo đuổi con đường đấu tranh bất bạo động giành độc lập.
Một chương đáng ngạc nhiên nữa trong tác phẩm “Tự truyện của Yogi” là không những nó thuật lại những chứng nghiệm siêu nhiên, mà nó còn chứng nghiệm Tinh thần siêu nhiên qua những phát kiến của khoa học phương Tây. Yogananda viết rằng con người khổ sở vì bị mắc vào tính nhị nguyên (hai mặt) – một quy luật của maya vũ trụ bởi không đi tìm về tính nhất thể, tính duy nhất của Thượng đế.
Con người – dựa vào khoa học – ngày càng khám phá nhiều hơn về vũ trụ nhưng cũng đồng thời ngày càng hoang mang hơn. “Khoa học, vì vậy mà sẽ còn phải đổi thay không ngừng, không thể đạt đến đích cuối; thực ra đủ sức để khám phá các định luật của một vũ trụ đã tồn tại và vận hành nhưng lại bất lực không thể phát hiện được Đấng làm luật và Đấng vận hành duy nhất”.
“Vượt lên trên nhị nguyên tính của sáng tạo và nhận thức được sự nhất thể của Đấng sáng tạo được quan niệm là mục đích cao cả nhất của con người. Kẻ nào bám víu vào cái ảo ảnh vũ trụ thì phải chấp nhận quy luật đối lập cơ bản của nó: thăng và trầm, hưng thịnh và suy vong, ngày và đêm, lạc thú và đớn đau, thiện và ác, sinh và tử.
Khuôn dạng có tính chu kì này sẽ khoác một vẻ nhàm chán giày vò nhất định khi con người đã đi qua vài ngàn lần đầu thai làm người… Chừng nào con người còn bị lệ thuộc vào những huyễn hoặc nhị nguyên của Thiên nhiên thì Maya mang khuôn mặt Janus vẫn còn là nữ thần của anh ta; anh ta sẽ không thể thấy Thượng đế đích thực và duy nhất”.
Chân dung Paramanhasa Yogananda – một bậc đại sư của dòng tu Swami (Ấn Độ) sang Mỹ năm 1920 để truyền bá tinh thần Yoga.
Cuốn sách của Yogananda cho biết, các bậc đại sư thường chọn đường tu hành ẩn dật và giấu kín những chứng nghiệm linh thiêng cũng như cuộc đời mình nhưng bản thân Yogananda đã được trao cho sứ mệnh kết nối tinh thần của Đông – Tây bằng việc tiết lộ những điều có thể tiết lộ và dùng cuộc đời mình như một minh chứng cho những người phàm về sự tồn tại của Tinh thần và Thượng đề.
Đứng giữa nền văn minh nước Mỹ đầu thế kỉ 20, Yogananda đã thu nhận nhiều đệ tử danh tiếng và sau khi cuốn sách được phát hành, hàng triệu người phương Tây đã đi theo tiếng gọi của Yoga. Năm 1952, sau khi Yogananda nhập định, ông Harry T. Rower, giám đốc nhà tang lễ đã gửi một bức thư xác nhận cho NXB của cuốn sách này về trường hợp duy nhất mà họ từng chứng kiến “Không có sự phân hủy vật chất nào được thấy trên thi hài ngài dù đã 20 ngày sau khi chết”.
Theo: Hồ Hương Giang (vietnamnet.vn)
Hãy đăng ký ngay vào các lớp tập Yoga tại Yoga Ananda Hanoi 22 Thành Công để được hướng dẫn cách tập Yoga chuẩn, mang lại hiệu quả cao nhất cho bạn!
ĐT: (04)66861296; 0963961796
Tìm và like trang Facebook của chúng tôi để nhận được những thông tin mới, hay và bổ ích về Yoga: Trang Yoga Ananda Hanoi